Tịnh Độ Vựng Ngữ – Đại Sư Liên Trì (phần khai thị)

Tịnh Độ Vựng Ngữ – Đại Sư Liên Trì (phần khai thị)

Dịch giả: Thích Minh Thành

Mục lục

    Lời giới thiệu

    Thuốc không luận mắc rẻ, nếu trị lành bệnh là thuốc hay; pháp môn không luận thấp cao, nếu đưa người ra khỏi sinh tử, đó là pháp diệu. Một đời thị hiện giáo hóa của đức Bổn sư không ngoài mục đích ấy, muốn cho tất cả chúng sinh đều được thoát khỏi sinh tử luân hồi.

    Các vị Tổ sư cận đại nhận thấy người đời nay nghiệp lực sâu dầy, chướng sâu huệ cạn không thể tự lực mình dứt hoặc chứng chơn thoát ly sáu nẻo. Chỉ nương nhờ pháp môn Tịnh độ, tự lực mình hành trì cảm được đại nguyện tha lực của đức Phật A-di-đà mà đới nghiệp vãng sinh Tây Phương Cực Lạc. Đã sinh về Cực Lạc thì được gần Phật, Bồ-tát, các bậc Thiện tri thức. Cảnh duyên chung quanh, gió reo, suối chảy, chim hót đều là pháp âm vi diệu. Nghiệp lực dầu còn mà không duyên phát khởi, lại nhờ sức huân tu nên ngày càng mỏng bớt cho đến tiêu trừ, thì lo gì Phật quả không đạt đến!

    Tổ sư Châu Hoằng, hiệu Liên Trì là bậc Long Tượng trong Phật pháp, mô phạm trong Tăng giới, nghiêm trì Luật tạng, chỗ hành trì và dạy người đều chỉ quy về Tịnh độ. Những lời khai thị về pháp môn niệm Phật hoặc là giảng thuyết, hoặc là trước tác, hoặc hỏi đáp qua thư từ, hoặc lời nhắc nhở tứ chúng được người xưa tập hợp lại thành sách gọi là Tịnh Độ Vựng Ngữ. Đó là những lời tâm huyết, những kinh nghiệm tu tập, hoài bão một đời của Đại sư. Y theo lời dạy của Ngài mà tu hành thì chắc chắn đạt được kết quả.

    Thấy được lợi ích đó nên thầy Minh Thành chẳng ngại tài hèn sức mọn, đem sách này dịch ra Việt văn, nhằm giúp cho mọi người thấm nhuần mưa pháp, tinh tấn niệm Phật.

    Tôi xin nhất tâm tùy hỷ giới thiệu đến chư Tôn túc, cùng tất cả pháp hữu xa gần với tâm nguyện hết thảy chúng sinh đồng tu Tịnh độ, đồng sinh Cực Lạc, đồng thành Phật đạo.

    Chùa Vạn Đức (Thủ Đức) 02/ 04/ 2006 Tỷ-kheo Thích Hoằng Tri kính ghi

    Giới thiệu Đại Sư Châu Hoằng

    Tổ thứ tám Liên Tông (1532–1612)

    Đại sư Liên Trì
    Đại sư Liên Trì (tên khác là thiền sư Vân Thê Châu Hoằng)

    Đại sư Châu Hoằng, tự là Phật Huệ, hiệu Liên Trì, người đời Minh, con nhà họ Thẩm ở Hàng Châu. Năm 17 tuổi, Sư được bổ làm giáo thọ, nổi tiếng là người học hạnh kiêm toàn. Được ảnh hưởng láng giềng nên Sư gởi tâm về Tịnh độ, viết bốn chữ “Sinh tử sự đại” ở đầu bàn để tự răn nhắc.

    Trung niên, Sư quy y Phật, theo ngài Vô Môn Tánh Thiên xuất gia, đến thọ giới Cụ túc nơi ngài Vô Trần. Sau đó, Sư đi khắp nơi tham học.

    Năm thứ năm niên hiệu Long Khánh (1571), Sư vào núi Vân Thê ở Hàng Châu, lưu trú trong ngôi chùa hoang phế, thường chuyên tu Niệm Phật tam-muội, giáo hóa xa gần, người học vân tập bèn trở thành Tòng lâm. Năm thứ 12 niên hiệu Vạn Lịch (1584), Sư trước tác Vãng Sinh Tập 3 quyển, Lăng-nghiêm Kinh Mô Tượng Ký 1 quyển.

    Đương thời, giới đàn từ lâu đã bị cấm tổ chức, Sư dạy người cầu giới pháp, đầy đủ ba y, ở trước tượng Phật thọ giới, Sư vì họ chứng minh. Ngoài ra, Sư lại còn chế định nghi Thủy Lục và Du-già Diệm Khẩu Pháp để tế độ nỗi khổ U Minh, khai ao phóng sinh ở trong và ngoài thành, soạn văn giới sát phóng sinh để răn người đừng hại vật.

    Sư chủ trương Tịnh độ, công kích cuồng Thiền, cực lực xiển dương Thiền Tịnh song tu, đạo phong càng hưng thịnh. Các quan lại như Tống Ứng Xương, Lục Quang Tổ, Phùng Mộng Trinh đều theo tu học.

    Những năm cuối, Sư phát bệnh, càng thêm chuyên cần tu Tịnh nghiệp. Sư trước tác Ba mươi hai điều bất tường để răn nhắc mình và người, lại viết Ba điều đáng tiếc, Mười điều đáng than thở để sách tấn đồ chúng.

    Cuối tháng 6 năm thứ 40, niên hiệu Vạn Lịch (1612), Sư vào thành từ biệt các đệ tử và những người cố cựu, nói: “Tôi sắp đi nơi khác”, rồi trở về chùa thiết tiệc trà từ giã đại chúng. Mọi người không hiểu là duyên cớ gì?

    Đến chiều ngày mùng một tháng bảy, Sư vào Tăng đường bảo: “Mai này tôi sẽ đi!”.

    Qua chiều hôm sau, Sư kêu mệt rồi vào tư thất ngồi kiết già nhắm mắt. Chư Tăng, các đệ tử tại gia và những người cố cựu trong thành đều hội đến. Sư mở mắt ra nhìn mọi người, nói: “Các vị nên chân thật niệm Phật, đừng làm điều chi khác lạ, và chớ phá hoại quy củ của tôi!”.

    Nói xong, hướng về Tây chấp tay niệm Phật mà qua đời. Sư thọ được 81 tuổi.

    Người đời gọi Sư là Hòa thượng Vân Thê, Đại sư Liên Trì. Sư cùng với ngài Tử Bá, Hám Sơn, Ngẫu Ích được tôn xưng là bốn vị đại Cao Tăng đời Minh.

    Ngoài những tác phẩm trên, còn có: Thiền Quan Sách Tấn, Phạm Võng Giới Sớ Phát Ẩn, A-di-đà Kinh Sớ Sao, Hoa Nghiêm Kinh Cảm Ứng Lược Ký… Tất cả hơn 30 loại. Về sau, do Vương Vũ Xuân tập hợp những trước tác của Ngài lại thành Vân Thê Pháp Vựng, 31 quyển.

    (Theo Mấy Điệu Sen Thanh – Phật Quang Đại Từ Điển)

    Khai Thị

    Dạy trì danh niệm Phật Tam Muội

    Giáo pháp Tịnh độ bắt đầu từ đức Phật Thích-ca, được xiển dương bởi các bậc Thánh Hiền từ bao đời. Do đó, đem một môn niệm Phật chia làm bốn loại:

    1. Trì danh niệm Phật
    2. Quán tượng niệm Phật
    3. Quán tưởng niệm Phật
    4. Thật tướng niệm Phật

    Tuy có bốn loại khác nhau nhưng rốt ráo trở về Thật tướng mà thôi. Lại đem ba loại trước rút gọn lại thành hai là: Quán tưởng và Trì danh.

    Quán tưởng thì trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rất tường tận rồi. Ở đây chỉ luận về Trì danh. Kinh Di-đà nói: “Nghe nói về Phật Di-đà, rồi chấp trì danh hiệu, hoặc một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn. Người ấy lúc lâm chung, Phật A-di-đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Người ấy mạng chung, tâm không điên đảo liền được vãng sinh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A-di-đà”.

    Đó là cội nguồn phát xuất của pháp Trì danh niệm Phật từ muôn đời, là pháp vi diệu do chính kim khẩu đức Phật nói ra.

    Bậc Cao đức ngày xưa nói: “Pháp quán nghĩa lý sâu xa, nhưng tâm chúng sinh lại tạp loạn; tâm tạp loạn mà tu quán thì khó thành tựu. Nên đức Phật thương xót trực tiếp khuyên bảo chuyên trì danh hiệu. Bởi vì, xưng danh hiệu dễ, nên mau chóng được sự liên tục”.

    Công xiển dương Trì danh niệm Phật này rất thiết yếu cho sự vãng sinh Tịnh độ. Nếu người trì danh đạt sâu Thật tướng thì đồng với pháp Quán tưởng vi diệu, được sinh về phẩm Thượng Thượng không nghi ngờ gì nữa.

    Các Phật tử hiện nay nên biết rằng, những bậc Thánh nhân Nhị thừa, hàng Đại sĩ tâm viên mãn cho đến bậc Đẳng giác còn phải sám hối để được vãng sinh, huống chi kẻ phàm phu đang tu học!

    Nay tôi xin vì các đệ tử hiện tại trong sáu nẻo luân hồi, đều đồng nhất tâm xưng danh hiệu Phật cầu sinh Tịnh độ. Mong Phật từ bi dũ lòng tiếp độ!

    Khuyên niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ

    Kinh A-di-đà nói: “Nếu người niệm Phật thì lúc lâm chung chắc chắn được sinh về Cực Lạc”.

    Kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng nói: “Người niệm Phật sẽ sinh về Cực Lạc, hoa sen phân ra chín phẩm”.

    Bởi pháp môn niệm Phật này không luận nam nữ, Tăng tục; không luận sang hèn, ngu trí, chỉ cần tâm không loạn động, tùy theo công hạnh nhiều ít mà vãng sinh chín phẩm. Thế nên biết, thế gian ai cũng có thể niệm Phật.

    • Nếu người giàu có vật dụng đầy đủ chính là lúc nên niệm Phật.Nếu người bần cùng nhà nhỏ ít phiền, chính là lúc nên niệm Phật.
    • Nếu người có con thì việc hương hỏa đã có người, chính là lúc nênniệm Phật. Nếu người không con, một mình tự do, chính là lúc nênniệm Phật.
    • Nếu người có con hiếu thảo an ổn nhận sự cung phụng, chính làlúc nên niệm Phật. Nếu người có con ngỗ nghịch thì khỏi phảithương yêu, chính là lúc nên niệm Phật.
    • Nếu người không bệnh, thân thể khỏe mạnh, chính là lúc nên niệmPhật. Nếu người có bệnh, cận kề vô thường, chính là lúc nên niệm Phật.
    • Nếu người tuổi già, thời gian không còn nhiều, chính là lúc nênniệm Phật. Nếu người tuổi trẻ, tinh thần sáng láng, chính là lúc nên niệm Phật.
    • Nếu người rảnh rang, tâm không phiền lụy, chính là lúc nên niệmPhật. Nếu người bận rộn, thì tranh thủ thời giờ rảnh, chính là lúc nên niệm Phật.
    • Nếu người xuất gia, tiêu diêu ngoài sự vật, chính là lúc nên niệmPhật. Nếu người tại gia, biết là nhà lửa, chính là lúc nên niệm Phật.
    • Nếu người thông minh, hiểu rõ Tịnh độ, chính phải nên niệm Phật.Nếu người ngu khờ, chẳng có tài năng, chính phải nên niệm Phật.
    • Nếu người trì luật, luật là do Phật chế định, chính phải nên niệmPhật. Nếu người xem kinh, kinh là lời Phật nói, chính phải nên niệm Phật.
    • Nếu người tham Thiền, Thiền là tâm Phật, chính phải nên niệmPhật. Nếu người ngộ đạo, ngộ phải cần sự ấn chứng của Phật, chínhphải nên niệm Phật.

    Khuyên khắp mọi người gấp rút niệm Phật, vãng sinh chín phẩm, hoa nở thấy Phật, thấy Phật nghe pháp, rốt ráo thành Phật, mới hay tâm mình xưa nay là Phật!

    Khuyên khắp cả niệm Phật

    Phàm người học Phật, không luận trang nghiêm dáng vẻ, chỉ quý chân thật tu hành.

    Cư sĩ tại gia không nhất định phải thế phát xuất gia, người còn tóc vẫn có thể thường niệm Phật. Không nhất định phải đánh chuông gõ mõ, người ưa yên tĩnh vẫn có thể lặng lẽ niệm Phật. Không nhất định phải nhóm họp đông đúc, người sợ việc phiền phức vẫn có thể đóng cửa niệm Phật. Không nhất định phải vào chùa nghe kinh, người biết chữ vẫn có thể y theo giáo pháp mà niệm Phật.

    Hành hương đi ngàn dặm, chẳng bằng ngồi yên trong nhà niệm Phật. Cung phụng thầy tà, chẳng bằng hiếu thuận cha mẹ mà niệm Phật. Kết giao rộng với bạn ma, chẳng bằng riêng mình thanh tịnh niệm Phật. Gởi trước giấy vàng mã cho đời sau, chẳng bằng hiện tại làm phước niệm Phật. Hứa nguyện dâng cúng trả lễ, chẳng bằng hối lỗi sửa đổi mà niệm Phật. Không biết mà luận bừa lý Thiền, chẳng bằng chân thật trì giới niệm Phật. Mong cầu sự linh thông của yêu quỷ, chẳng bằng tin đúng nhân quả mà niệm Phật.

    Nói tóm lại, tâm ngay thẳng diệt trừ điều ác, niệm Phật như thế gọi là Thiện nhân. Thu nhiếp tâm, trừ tán loạn, niệm Phật như thế gọi là Hiền Nhân. Tỏ ngộ tâm, dứt mê lầm, niệm Phật như thế gọi là Thánh nhân.

    Khuyên niệm Phật

    Một là khuyên người hoàn toàn rảnh rang niệm Phật. Việc cưới gả đã xong, con cháu gánh vác được việc nhà, an nhàn vô sự, chính là lúc đem hết tâm sức mà niệm Phật. Mỗi ngày niệm mấy ngàn tiếng, cho đến mấy muôn tiếng.

    Hai là khuyên người không bận lắm niệm Phật. Tuy không hoàn toàn rảnh rang, cũng có thể lúc bận thì lo công việc, khi rảnh thì niệm Phật. Mỗi ngày niệm mấy trăm tiếng, cho đến mấy ngàn tiếng.

    Ba là khuyên người rất bận rộn niệm Phật. Cần cù với việc triều chính, bôn ba vì sự nghiệp. Tuy không rảnh rang nhưng phải tranh thủ thời gian niệm Phật trong khi bận rộn. Mỗi ngày sớm tối mười niệm, cho đến cả ngày niệm mấy trăm tiếng.

    Lời trọng yếu về việc xem kinh

    Nghĩa lý của Đại tạng kinh chẳng qua là Giới, Định, Tuệ mà thôi. Song, người xem Tạng kinh thường có hai lỗi lầm:

    Một là chấp văn tự không rõ nghĩa lý.

    Hai là biết nghĩa lý mà không thể hội tâm mình.

    Như thế, luống uổng thời gian chỉ là gieo duyên mà thôi. Nếu hay thấu rõ Giới, Định, Tuệ mà huân tu thì giáo lý của một Đại tạng kinh gọi là: “Niệm niệm thường trụ”. Đó tức là niệm trăm ngàn muôn ức quyển kinh. Cũng nên biết, Giới, Định, Tuệ nầy tức là pháp môn niệm Phật. Tại sao? Vì:

    Giới: Nghĩa là ngăn ngừa sai trái. Nếu có thể nhất tâm niệm Phật thì những việc ác chẳng dám xâm nhập. Đó tức là Giới.

    Định: Nghĩa là trừ bỏ tán loạn. Nếu có thể nhất tâm niệm Phật, trong lòng không có duyên khác. Đó tức là Định.

    Tuệ: Nghĩa là soi sáng. Nếu quán chiếu tiếng niệm Phật, mỗi chữ mỗi chữ rõ ràng; cũng quán chiếu tâm hay niệm và Phật được niệm, đều không thật. Đó tức là Tuệ.

    Niệm Phật như thế tức là Giới, Định, Tuệ. Cần gì đuổi theo văn tự, đọc cả Tạng kinh?

    Thời giờ mau chóng, mạng sống chẳng bền lâu. Mong mọi người lấy Tịnh nghiệp làm việc gấp. Đừng cho lời tôi sai lầm mà chẳng nghe!

    Dạy cư sĩ tại gia

    Mẹ con, vợ chồng, gia đình quyến thuộc trong kiếp người, đều là nhân duyên đời trước, tạm thời hội tụ cuối cùng ắt phải chia ly, chẳng đáng buồn khổ.

    Điều đáng buồn khổ chính là chỉ qua suông một đời, không biết niệm Phật. Nay chỉ cần buông bỏ muôn duyên, soi sáng lại mình mà niệm Phật, tức là việc lớn quan trọng gấp rút luôn làm trong đời người. Không nhiều lời nữa! Ngoài ra, chỉ nên thuần nhất niệm Phật. Khi niệm Phật, cần phải mỗi chữ mỗi chữ soi sáng, nơi tâm rõ ràng phân minh. Tâm tha thiết từng giờ từng phút, chẳng để cho có một chút vọng tưởng tạp niệm.

    Sớm chiều khi lễ Phật, thành khẩn phát nguyện cầu sinh Cực Lạc. Lâu dài như thế, đến lúc mạng chung, tự nhiên chánh niệm hiện tiền, vãng sinh Tịnh độ Cực Lạc của Phật A-di-đà, liên hoa hóa sinh, vĩnh viễn xa lìa mọi đau khổ.

    Dạy người bệnh

    Người xưa có nói: “Bệnh là thuốc hay cho chúng sinh”. Thế thì, người trong khi bệnh nên phát sinh tâm đại hoan hỷ. Tất cả chỗ không vừa ý đừng khởi phiền não.

    Người xưa còn nói: “Sống chết có số mạng”. Vậy nên, người trong khi bệnh nên phát sinh tâm đại giải thoát. Mặc cho sự sống chết, đừng sinh lòng sợ hãi.

    Vả lại, quá khứ như huyễn, hiện tại như huyễn, vị lai như huyễn, tận lực buông bỏ, chỉ giữ chánh niệm mà thôi.

    Trong khi bệnh, nhất định phải nhẫn nại, chịu đựng, đừng ôm ấp cái tâm mong mau hết bệnh. Đó là cách hay giúp mau hết bệnh.


    Xử trí việc nhà xong, buông bỏ muôn duyên, nơi tâm rỗng rang chỉ niệm sáu chữ Di-đà, giây phút không quên, tự nhiên nghiệp chướng tiêu diệt. Nghiệp chướng đã tiêu diệt, tự nhiên đêm nằm an ổn, thân tâm khỏe mạnh.

    Người niệm Phật phải phát nguyện lìa bỏ thế gian ác trược này, sinh về cõi Cực Lạc.

    Dạy cư sĩ Kỳ Niên

    Sắc thân vốn có sự suy tàn, Pháp tánh thật không hoại diệt. Trừ hết muôn điều phiền lụy, thuần tịnh nhất tâm. Tâm thanh tịnh nên cõi nước thanh tịnh. Như thế thì thành tựu vãng sinh mà tự thấu suốt Vô sinh.

    Dạy người thiện nữ lúc sắp lâm chung

    Thể chất nam nữ tuy khác nhau, nhưng tánh sáng suốt thật không hai. Đâu nói ngũ lậu, chỉ quý nhất tâm. Nhất tâm xưng niệm A-di-đà, quyết định vãng sinh cõi Cực Lạc.

    Dạy Đại Đồng

    Người xưa dạy thân cận minh sư, cầu Thiện tri thức. Song, Thiện tri thức thật không có: “Pháp môn bí mật miệng truyền tâm nhận”, chỉ cởi mở trói buộc cho người, tức là bí mật.

    Nay chỉ cần: “Chấp trì danh hiệu, nhất tâm không loạn”. Tám chữ này tức là pháp môn bí mật cởi mở trói buộc. Đó là con đường rộng lớn thênh thang ra khỏi sinh tử. Sáng niệm, tối niệm, đi niệm, ngồi niệm, niệm niệm tiếp nối, tự nhiên thành chánh định, chớ tìm cầu chi khác nữa!

    Tâm tán loạn đã lâu, nhất thời khó mà an định. Niệm Phật tâm không thanh tịnh, chẳng cần buồn lo, chỉ cần công phu thâm sâu mà thôi. Mỗi chữ mỗi câu nơi tâm mà niệm.

    Dạy Vương Trí Đệ

    Tâm không thì nghiệp không, thân không thì bệnh không. Nếu có tâm nghi ngờ, nên dốc sức buông bỏ. Trong kinh nói: “Hễ có hình tướng đều là giả dối”.

    Đã thuộc về giả dối, ví như hoa đốm trong hư không, như bọt nước trôi sông, như việc trong giấc mộng, nào có nghi ngờ chi nữa.

    Giảm bớt lo lắng, ngăn chặn phiền não phẫn nộ, tiết lượng sự ăn uống, cẩn thận trong sinh hoạt. Chỉ giờ giờ phút phút đem câu niệm Phật làm thoại đầu, đừng để lãng quên, tức là sự tỉnh giác sáng soi, ngay khi bối rối vẫn không mê mờ.

    Dạy Minh Tự Đại Hiểu

    Ghi nhớ số quá nhiều, bó buộc tâm quá gấp nên phát sinh các thứ bệnh. Chỉ cần cố gắng âm thầm không gián đoạn, không xen tạp, tức là công phu. Chẳng cần khổ hạnh quá sức. Vọng tưởng mạnh mẽ, chiến đấu lâu ngày tự nhiên hàng phục được, nhất định không nghi ngờ.

    Dạy Ngô Đại Tuấn

    Đừng lo ngộ hay không ngộ, đừng lo có không, trong ngoài, chặng giữa; đừng lo Chỉ Quán, đừng lo đồng hay bất đồng với pháp môn khác. Nghi tình đã không phát khởi, cũng đừng lo là ai hay chẳng là ai. Chỉ cần chấp trì danh hiệu, nhất tâm nhất ý, không gián không đoạn, thuần nhất không tạp. Thực hành đi!

    Dạy Vu Quảng Tuệ

    Người xưa nói: “Tạp niệm là bệnh, niệm Phật là thuốc”.

    Niệm Phật chính là để trị tạp niệm, người không thể trị được bởi vì niệm không khẩn thiết. Khi tạp niệm sinh khởi, liền dụng tâm gia công niệm Phật. Mỗi chữ, mỗi câu chuyên nhất không hai thì tạp niệm tự dứt.

    Dạy Vương Quảng Đệ

    Chẳng bằng ngay đó nắm chặt một câu A-di-đà. Tận tâm, tận lực niệm đi! Không có một mảy may niệm nào khác, tức là công án chữ “Vô”. Những thoại đầu chữ “Vô”… không cần đề khởi, thuần nhất niệm Phật. Nơi niệm Phật thấu suốt thì nghìn nơi muôn nơi đều thấu suốt.

    Dạy Quảng Kỳ

    Lão Bàng Uẩn nói:

    “Mười phương đồng tụ hội,

    Người người học vô vi,

    Đây là trường tuyển Phật,

    Tâm không, được đậu về”.

    Người chưa được không tâm thì hãy siêng năng niệm Phật, niệm niệm không ngừng, tâm sẽ tự không.

    Dạy Ngô Quảng Thụ

    Đã không nghi việc sinh tử, không nghi công án của các bậc Cao đức ngày xưa, thì sao lại phát sinh sợ hãi? Sao lại còn lo lắng sự nghi ngờ xâm nhập tâm tư? Thế thì gọi là không nghi, thật ra vẫn còn nghi.

    Thuở xưa, có hai vị Tỷ-kheo phạm giới dâm và sát, ở ngay một lời nói của ngài Duy-ma, tội lỗi tiêu diệt hoàn toàn. Nay, nếu được như hai Tỷ-kheo ấy thì khỏi bàn. Nếu không được như thế thì có một phương pháp khác. Trong kinh nói: “Chí tâm niệm Phật một tiếng, tiêu diệt tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp”.

    Nếu thành kính niệm Phật mười vạn tám ngàn tiếng, không tội gì chẳng tiêu diệt. Lời chửi mắng như gió cuốn mây bay, như mặt trời tan sương sớm, như giọt nước rơi vào biển cả, như mảnh tuyết rơi trong lò lửa, diệt trừ sạch hết không còn dấu vết.

    Dạy Phước Kiến Lâm Vinh

    (Vinh trình bày cảnh lạ đã thấy)

    Kinh nói: “Hễ có hình tướng đều là giả dối”.

    Mắt thấy tai nghe thảy đều quét sạch, nhất tâm niệm Phật.

    Dạy Tiết Quảng Duyệt

    Tham cứu không tiện, chuyên trì danh hiệu Phật cũng được. Chỉ cần được nhất tâm, tự nhiên không theo cảnh.

    Dạy một cư sĩ

    Giữ vững năm giới, một lòng niệm Phật. Hiếu dưỡng cha mẹ, cũng nên khuyên cha mẹ nhất tâm niệm Phật. Cầu nguyện mẹ con, cùng sinh về Tịnh độ. Tùy duyên qua ngày, được cung cấp thì nhận, đừng đi hóa duyên, chớ tổ chức hội niệm Phật, giữ phận mình tu hành. Như thế tức là đại thiện nhân, là Cư sĩ chân chánh trong thời mạt pháp.

    Dạy Động Đình Sơn Ông Môn Thạch Thị

    (Cầu đời sau làm quan)

    Làm quan tuy tốt, nhưng dựa vào chức quan mà tạo nghiệp thì đời sau đọa lạc chịu khổ vô cùng. Cần phải nhất tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh độ. Dầu cho chức vị đến bậc Tam công cũng chẳng bằng lên đài sen chín phẩm. Niệm Phật cầu sinh về Tịnh độ, hơn làm quan rất xa.

    Dạy Động Đình Sơn Hứa Môn Thạch Thị

    (Cầu đời sau làm Tăng)

    Làm Tăng tuy tốt, nhưng Tăng mà không tu hành đời sau phải đọa lạc chịu khổ vô cùng. Cần phải nhất tâm niệm Phật cầu sinh về Tịnh độ. Thân cận hình tượng giả bằng vàng, gỗ chạm khắc, chẳng bằng thân cận Phật thật hiện đang thuyết pháp. Làm Tăng ở Tịnh độ vượt hơn làm Tăng ở thế giới này rất xa.


    Dạy người học Phật

    Người hiện nay, phần nhiều ưa nói tham cứu tỏ ngộ, ưa nói liễu thoát sinh tử, chẳng biết rằng ở cõi này liễu ngộ rất khó, gọi là vượt ra ba cõi theo chiều dọc. Tư-đà-hàm còn một lần sinh trở lại, huống gì phàm phu! Chúng sinh cõi này phần nhiều sinh về Tây Phương trước, rồi sau mới tỏ ngộ. Một môn sinh về Tây Phương, gọi là vượt ra ba cõi theo chiều ngang, muôn người không sót một.


    Tôi sau khi xuất gia, thưa hỏi khắp nơi. Khi ấy, Tông phong của Thiền sư Biến Dung rất hưng thịnh. Tôi đến kinh thành bái kiến, đi bằng đầu gối vào thưa hỏi. Sư bảo: “Ông nên giữ bổn phận, đừng tham danh lợi, đừng vin theo cảnh trần, chỉ cần thấu rõ nhân quả, nhất tâm niệm Phật”.

    Tôi thọ giáo rồi lui ra. Những người đồng hành cười to, cho rằng mấy câu nói đó ai mà nói không được. Từ ngàn dặm xa xăm đến đây, chỉ mong có gì cao siêu huyền diệu, hóa ra chẳng đáng nửa đồng tiền. Tôi nói: “Chính điều này mới thấy được cái hay của Ngài. Chúng ta khát ngưỡng hâm mộ, từ xa đến đây Ngài lại chẳng bàn huyền nói diệu, đưa chúng ta đến chỗ cao vời, chỉ chân thật đem sự thể nhận của mình ở nơi công phu thiết thật gần gũi mà đinh ninh chỉ dạy. Đó là cái hay của Ngài”.

    Tôi đến nay vẫn thực hành vâng giữ, không dám lãng quên.


    Cửa chính yếu vào đạo, lòng tin là bậc nhất. Việc quan trọng ở đời nếu không tin còn không thể thành tựu, huống là việc lành?

    Như đạo tặc ở thế gian khi bại lộ, quan phủ nếu không dùng cực hình ràng buộc thì sau khi thả ra, họ vẫn như cũ không hối lỗi. Tại sao? Vì họ tin rằng con đường này chẳng tốn một đồng tiền mà được lợi, không cần phải tính toán lo lắng. Cho nên, chịu đủ mọi đau khổ nhưng quyết chẳng hối hận.

    Người hiện nay niệm Phật, chẳng chịu gia công chân thật, chỉ vì chưa từng nghĩ sâu tin chắc. Đừng nói không tin Tịnh độ, chỉ như Thế Tôn nói: “Mạng người trong hơi thở”.

    Một câu nói này nghĩa lý không phải là khó hiểu. Các ông chính mình tai nghe mắt thấy, trải qua biết bao tấm gương, thế mà hiện nay muốn các ông tin câu nói ấy vẫn không thể được.

    Nếu các ông thật sự tin được câu nói ấy thì pháp môn niệm Phật không cần tôi phải tốn hết sức lực, dặn dò cả ngàn muôn lần. Các ông tự nhiên sẽ giống như nước chảy xuống chỗ trũng, không sức mạnh gì kéo lại được.

    Chính như hôm trước, khi đưa vị Tăng mất, các ông đã thấy việc đó nên buồn bã không vui. Tôi đã cảnh sách nhau thống thiết rằng: “Đại chúng! Tôi với các ông hôm nay đưa vị Tăng này, ngày mai đưa vị Tăng khác, không hay không biết bỗng đến phiên mình, lúc ấy hối hận không còn kịp nữa. Cần phải gấp rút niệm Phật, thời giờ đừng để luống qua, như thế mới được!”.

    “Tôi thấy các ông tự mình cũng bảo đáng tiếc, đối với người khác cũng bảo đáng tiếc. Nhưng đến khi ở Tăng phòng, vẫn bàn tán cười nói như thường, chỉ vì các ông không tin “mạng người trong hơi thở”.


    Tôi thấy người mới tu học, vừa đem một câu Phật hiệu đặt vào lòng, để đừng suy tư vọng tưởng thì càng cảm thấy vọng tưởng dâng trào. Họ liền bảo: “Công phu niệm Phật chẳng thể nhiếp tâm”.

    Đâu biết rằng, cội gốc sinh tử từ vô lượng kiếp đến nay của ông làm sao dứt trừ ngay được. Vả lại, ngay khi muôn vàn vọng niệm lăng xăng chính là lúc thực hành công phu. Thâu nhiếp rồi tán loạn, tán loạn rồi thâu nhiếp, thực hành lâu dài thì công phu thuần thục, tự nhiên vọng niệm sẽ không sinh khởi.

    Hơn nữa, cái tâm hay biết vọng niệm nhiều của ông là nhờ ở câu niệm Phật này. Nếu khi không niệm Phật, vọng niệm cuồn cuộn dâng trào, khoảnh khắc cũng không dừng nghỉ mà chính mình có nhận biết được đâu?


    Niệm Phật có phương pháp niệm thầm, niệm lớn tiếng, trì niệm Kim Cang. Song, niệm lớn tiếng cảm thấy rất phí sức, niệm thầm lại dễ hôn trầm. Chỉ là miên mật khít khao, khẽ động môi, tiếng niệm ở nơi răng và lưỡi chính là phương pháp trì niệm Kim Cang.

    Lại không nên chấp chặt. Hoặc cảm thấy tổn sức thì không ngại niệm thầm, hoặc cảm thấy hôn trầm thì không ngại niệm lớn tiếng.

    Hiện nay, người niệm Phật tay đánh mõ theo miệng kêu gào, cho nên không được lợi ích. Cần phải mỗi câu miệng niệm tai nghe, mỗi tiếng mỗi tiếng đánh thức tâm mình. Ví như một người ngủ say, một người gọi thức dậy, thì người kia liền tỉnh giấc. Cho nên, niệm Phật là phương pháp thu nhiếp tâm rất hay.


    Người hiện nay không chịu niệm Phật chỉ vì xem thường Tây Phương. Chẳng biết sinh về Tây Phương là việc của bậc đại đức, đại phước, đại trí, đại tuệ, đại Thánh, đại Hiền. Chuyển Ta-bà thành Tịnh độ, chẳng đồng với nhân duyên bé nhỏ.

    Ông hãy xem trong vùng này, một ngày một đêm chết bao nhiêu người. Đừng nói sinh về Tây Phương, chỉ sinh về cõi trời thôi mà trăm ngàn người còn không có một. Lại có người tu hành tự phụ, cho rằng chỉ cần không mất thân người mà thôi. Do đó, Đức Thế Tôn đại từ đại bi dạy pháp môn này, công lao quá cả đất trời, ân đức vượt hơn cha mẹ. Chúng ta dầu xương tan thịt nát chưa đủ đáp đền.

    Lúc nhỏ còn chưa biết niệm Phật, tôi thấy một bà lão nhà hàng xóm mỗi ngày quy định thời khóa niệm Phật mấy ngàn câu. Tôi hỏi: “Tại sao làm như thế?”.

    Bà lão đáp: “Người chồng đã mất của tôi thuở trước niệm Phật, lúc ra đi rất tốt lành. Thế nên, tôi niệm như thế. Ông ấy lúc ra đi, hoàn toàn không có bệnh, chỉ chào cáo biệt mọi người rồi vãng sinh”.

    Người xuất gia tại sao lại không niệm Phật?

    Bình luận đã bị đóng.
    Don`t copy text!